CTCP TƯ VẤN ĐẦU TƯ VÀ THIẾT KẾ XÂY DỰNG VIỆT NAM
Tâm huyết trong từng nét vẽ, bền đẹp cho mọi công trình
Tải hồ sơ năng lực

Hội nghị thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 4/8/2017, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh chủ trì Hội nghị.

 

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các thành viên của Hội đồng thẩm định - đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các Hội, Hiệp hội chuyên ngành xây dựng, đơn vị tư vấn - Viện quy hoạch xây dựng miền Nam và Công ty tư vấn RUA (Mỹ), và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng quy hoạch.

Vùng ĐBSCL có diện tích khoảng 40.604,7km², đường biên giới với Campuchia dài 330km, đường bờ biển dài 700km, trong đó vùng biển thuộc chủ quyền là 360km². Việc điều chỉnh quy hoạch vùng ĐBSCL nhằm phát huy và nâng cao vai trò vị thế của vùng, đồng thời kết nối với các chiến lược phát triển mới, tích hợp các định hướng phát triển kinh tế-xã hội, các quy hoạch chuyên ngành của các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL.

ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp, an ninh lương thực của quốc gia và xuất khẩu nông thủy sản hàng đầu cả nước, song đang phải đối mặt với một loạt các bất lợi ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu và khai thác tài nguyên quá mức. Cụ thể, tuy là một trong 10 vùng đồng bằng châu thổ rộng nhất thế giới, có sản lượng xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới song vùng ĐBSCL mới chỉ tham gia được một phần nhỏ trong chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu. Là một trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước nhưng kinh tế của vùng vẫn còn phụ thuộc vào vùng TP Hồ Chí Minh, đặc biệt về công nghiệp chế biến, công nghệ, hạ tầng xã hội. Ngoài ra, mặc dù chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng diễn ra nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng chất lượng chuyển dịch chưa cao và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2009. Quy hoạch này là cơ sở và đưa ra những định hướng quan trọng cho sự phát triển của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, qua gần 10 năm thực hiện, đến nay trong khu vực ĐBSCL đã xuất hiện nhiều yếu tố mới về phát triển kinh tế- xã hội, tác động của biến đổi khí hậu... đòi hỏi phải điều chỉnh Quy hoạch xây dựng cho phù hợp với tình hình mới.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng ĐBSCL do Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, Bộ Xây dựng phối hợp với tư vấn nước ngoài là Công ty tư vấn R.U.A, Mỹ nghiên cứu đã chọn kịch bản phát triển theo hướng phát huy lợi thế cạnh tranh của vùng, điều chỉnh dự báo dân số và đô thị hóa phù hợp với quy luật phát triển. Đồ án điều chỉnh mô hình phát triển vùng theo hướng phi tập trung, tăng cường sự đa dạng, chuyên môn hóa theo 6 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, gồm không gian vùng cảnh quan sông nước, vườn cây ăn trái, rừng ngập mặn, rừng ngập nước, thiên nhiên, vườn quốc gia được bảo tồn; hình thành các trung tâm cấp vùng thúc đẩy sự phát triển theo thế mạnh của từng tiểu vùng. Điều chỉnh mô hình phát triển đô thị từ tập trung đa cực sang mô hình phân tán theo các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, gắn với quá trình công nghiệp hóa và thương mại hóa nông nghiệp…

Tại Hội nghị, các chuyên gia phản biện và các thành viên Hội đồng thẩm định đã đóng góp các ý kiến cho Đồ án. Nhìn chung, các thành viên Hội đồng đánh giá Đồ án được nghiên cứu bài bản, nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng cũng đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ hơn một số nội dung cụ thể như: đánh giá kỹ hơn tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng ĐBSCL, làm rõ tính chất liên kết vùng của vùng ĐBSCL với vùng TP. Hồ Chí Minh và nước bạn Campuchia, nghiên cứu các khả năng phát huy về kinh tế và an ninh – quốc phòng của vùng biển đảo trong khu vực...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá cao những cố gắng của đơn vị tư vấn trong việc nghiên cứu xây dựng Đồ án một cách công phu, nghiêm túc, có nhiều ý tưởng mới được xây dựng trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm quy hoạch vùng tại một số quốc gia phát triển; Đồ án nêu được những lợi thế của vùng trong việc kết nối mạng lưới đường bộ, đường thủy trong tiểu vùng sông Mekong và kết nối hàng hải quốc tế; đánh giá đầy đủ và toàn diện về điều kiện tự nhiên hiện trạng; làm rõ thực trạng quy hoạch sử dụng đất cho mục đích phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, nông thôn,… giai đoạn từ năm 2009 đến nay; làm rõ nguyên nhân của những bất cập, hạn chế và những điều kiện thuận lợi trong giai đoạn phát triển hiện nay của vùng; Các quan điểm phát triển của vùng theo hướng bền vững, đặc biệt là tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu, có liên kết vùng đô thị. Tổ chức không gian các khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế biển, khu công nghiệp tập trung gắn với không gian đô thị và các trục hành lang kinh tế, đầu mối hạ tầng kỹ thuật.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đồng tình với các ý kiến đóng góp của các chuyên gia phản biện và các thành viên Hội đồng thẩm định, đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện Đồ án để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Xây Dựng

Ngày đăng: 14/08/2017Lượt xem: 425
ĐỐI TÁC







Tin tức nổi bật :

Messenger