CTCP TƯ VẤN ĐẦU TƯ VÀ THIẾT KẾ XÂY DỰNG VIỆT NAM
Tâm huyết trong từng nét vẽ, bền đẹp cho mọi công trình
Tải hồ sơ năng lực

KTS Trần Bình Trọng: Không chạy theo trào lưu và mỹ từ

“Diễn đàn Kiến trúc với Doanh nghiệp – Vì sự phát triển của Kiến trúc Việt Nam” vừa qua đã để lại nhiều dư âm ý nghĩa đằng sau mỗi chia sẻ đầy tâm huyết của các KTS cũng như chủ Doanh nghiệp tham dự. Kienviet.net xin trích đăng toàn bộ nội dung bài chia sẻ của ông Trần Bình Trọng – KTS, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tư vấn đầu tư & thiết kế xây dựng Việt Nam để bạn đọc có thêm các góc nhìn đa chiều về mối quan hệ giữa KTS và doanh nghiệp ngày nay.

Ông Trần Bình Trọng – KTS, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tư vấn đầu tư & thiết kế xây dựng Việt Nam

Trong tư duy thiết kế kiến trúc chắc chắn sẽ có nhiều triết lý, nhiều phương pháp khác nhau. Theo tôi trước tiên cần xác định được ngôn ngữ của kiến trúc là gì. Rõ ràng ngôn ngữ của âm nhạc là âm thanh và giai điệu, ngôn ngữ của hội họa là đường nét và màu sắc. Tôi cho rằng ngôn ngữ của kiến trúc là không gian. Tiêu chí của không gian kiến trúc gồm: không gian sử dụng phù hợp, không gian chuyển động phù hợp và không gian tạo cảm xúc. Hai tiêu chí đầu thường gắn với công năng, tiêu chí sau gắn với thẩm mỹ. Không gian tạo cảm xúc nhất định phải là dấu ấn riêng của người thiết kế, bao gồm cảm xúc tạo được khi con người ở không gian bên trong, và cảm xúc đạt được khi đặt công trình kiến trúc vào không gian lớn hơn như cảnh quan đô thị, môi trường thiên nhiên. Cùng với và nằm trong không gian tạo cảm xúc ấy, đường nét, màu sắc, tỷ lệ, chất liệu như một dàn hợp xướng tạo nên các cung bậc và âm sắc của chủ đề, đẩy cảm xúc lên cao.

Sáng tác kiến trúc là một quá trình tìm kiếm và đuổi bắt một cái gì đó bên trong tâm thức của mình. Mỗi sáng tác phải có ý tưởng rõ nét, dễ hiểu, không phức tạp, nhưng đừng “Nhạt”. Ý tưởng thường đến từ việc nghiền ngẫm “hồn Nơi Chốn”, một truyền thuyết, hay một tuyên ngôn, một triết lý nào đó.

Cho tới nay thì kiến trúc xanh đã được nói đến nhiều. Rất nhiều nghiên cứu, tranh luận và đã có rất nhiều ví dụ thực tiễn về kiến trúc xanh. Đối với những người hành nghề liên tục thiết kế các công trình kiến trúc cho xã hội, chúng tôi không chạy theo trào lưu và mỹ từ. Hãy nghiên cứu về tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm tài nguyên, tư duy tìm tòi, so sánh, lựa chọn thiết kế theo các tiêu chí đó thì sẽ có kiến trúc xanh. Với cách làm như vậy bản thân các giải pháp kiến trúc đã làm được rất nhiều việc Xanh rồi.

Mặc dù vậy thiết kế công trình xanh, công trình bền vững chưa bao giờ dễ dàng đối với Kiến trúc sư và Chủ đầu tư. Để KTS thể hiện được vai trò trách nhiệm với các xu hướng xanh bền vững và được chủ đầu tư tôn trọng đồng thuận, không có cách nào khác là Kiến trúc sư phải học, nghiên cứu, đúc rút dữ liệu, tìm tòi, cân nhắc lựa chọn. Từ đó mới có giải pháp phù hợp và thuyết phục mọi người được.

Cũng trong mạch suy nghĩ này, dường như sẽ có một mâu thuẫn giữa chi phí để thỏa mãn ý tưởng sáng tạo trong thiết kế công trình của kiến trúc sư, với tiết kiệm chi phí đầu tư vì mục tiêu lợi nhuận của chủ đầu tư. Làm thế nào để cân bằng/điều tiết mâu thuẫn này? Thực ra ở đây không có mâu thuẫn gì cả. Bản chất của kiến trúc không phải là 1 trò chơi tạo hình khối không gian tốn kém. Như đã nói ở trên: kiến trúc phải bao gồm không gian sử dụng phù hợp, không gian chuyển động phù hợp và không gian tạo cảm xúc. Không gian công năng đáp ứng nhu cầu đầu tư, nhưng không gian cảm xúc tạo nên giá trị gia tăng cho đầu tư, tạo nên đẳng cấp của đầu tư. Bản lĩnh của người kiến trúc sư là tìm được điểm cân bằng nào là phù hợp nhất.

Đến đây lại dẫn đến một câu hỏi: Bằng cách nào kiến trúc sư đạt được bản lĩnh đó? Đây sẽ là một quá trình lâu dài của sự trải nghiệm thực tiễn, được hành nghề với những công trình đủ độ thách thức, và quá trình học tập liên tục.

Trong đó quá trình học đầu tiên ở trường Kiến trúc cần được cải tiến. Đó là cần đưa yếu tố “Thật” vào tất cả các Đồ án sinh viên: Nhiệm vụ thật, khu đất thật, thông tin quy hoạch thật, vv… Việc này có thể làm được nhờ sự liên kết với các Công ty Tư vấn thiết kế để lấy số liệu thật. Cũng với việc dạy sinh viên tư duy bay bổng sáng tạo, nhà trường cần bắt buộc sinh viên phải làm việc dựa trên các quy định về Kỹ thuật và quy định về Pháp lý trong tất cả các đồ án sinh viên. Cũng do nhu cầu thực tiễn của các Công ty tuyển dụng nhân lực, nhà trường cần định hướng rõ cho sinh viên về các vai trò trong một Nhóm thiết kế ngoài đời thật (gồm có người làm Ý Tưởng; người làm Thể Hiện; người Triển khai kỹ thuật) để họ chọn các môn học phù hợp với sở trường, đồng thời tăng số lượng các đồ án thực hiện theo Nhóm ở các năm cuối để họ tập cách làm việc Nhóm.

Môi trường hành nghề trong tổ chức hoạt động kiến trúc rất quan trọng đối với sự phát triển sự sáng tạo của kiến trúc sư hành nghề. Trong đó nhất định phải có mối tương quan trách nhiệm qua lại. Trách nhiệm của kiến trúc sư là: Sáng tạo nhưng phải phù hợp với trách nhiệm của tổ chức đối với khách hàng về tiến độ, mục đích, mức đầu tư, mục tiêu lợi nhuận, vv. Trách nhiệm của tổ chức là: tạo hệ thống hành nghề chuyên nghiệp và có cơ chế nuôi ý tưởng sáng tạo của kiến trúc sư. Ai cũng biết hiện nay thiết kế phí cho ý tưởng ít hơn thiết kế triển khai nhiều.

Chúng ta đã có Luật Kiến trúc để quy định các hoạt động hành nghề kiến trúc. Từ đây các kiến trúc sư đều rất mong muốn có một sân chơi bình đẳng và minh bạch. Tôi cho rằng đây là một khởi đầu rất quan trọng để bước đầu chúng ta tạo dựng một sân chơi như vậy.  Là bước đầu vì năm nay Luật kiến trúc mới có hiệu lực, cuối năm mới hình thành 3 nội dung cơ bản để thực thi Luật (Quy tắc ứng xử nghề nghiệp, CPD và Thi sát hạch cấp CCHN). Trong khi đó các nước trong khu vực đã thực thi Luật Kiến trúc sư từ rất lâu như Malaysia (60 năm), Singapore (90 năm), Thailand (55 năm), vv… Giai đoạn này chúng ta thực hiện ở mức ban đầu (hành nghề đúng luật thay vì hành nghề bất chấp luật). Sau 05 năm như thông thường Luật sẽ được bổ sung điều chỉnh cho phù hợp trình độ phát triển, các quy định cũng được cập nhật theo. Khi đó tôi tin rằng sân chơi “hành nghề kiến trúc” sẽ được nâng trình độ lên cao hơn.

Kiến trúc sư Trần Bình Trọng

“Diễn đàn Kiến trúc với Doanh nghiệp – Vì sự phát triển của Kiến trúc Việt Nam” được tổ chức trong khuôn khổ Đại hội lần thứ X – Hội Kiến trúc sư Việt Nam (nhiệm kỳ 2020 – 2025). Tham gia tọa đàm, các Doanh nghiệp & KTS hàng đầu đã có những phiên tham luận vô cùng sôi nổi và hữu ích về sự tương giao, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai bên, đồng thời hiến kế/gợi mở giúp thắt chặt và thúc đẩy mối quan hệ có hiệu quả giữa DN & giới hành nghề.

(Trích theo nguồn: https://kienviet.net/2020/10/01/kts-tran-binh-trong-khong-chay-theo-trao-luu-va-my-tu/)
Ngày đăng: 02/10/2020Lượt xem: 2950
ĐỐI TÁC







Tin tức nổi bật :

Messenger