Sự hồi phục này có được nhờ những điều chỉnh tích cực từ các cơ quan quản lý, điều hành cùng việc không ngừng hoàn thiện về thể chế chính sách cũng như sự mở rộng nguồn cung của các chủ đầu tư, các doanh nghiệp...
Nhiều dự án mới được mở bán
Thị trường đã có thêm nguồn cung mới, khi các chủ đầu tư bắt đầu kích hoạt triển khai hàng loạt dự án (Ảnh: PV)
Sau thời gian dài trầm lắng khiến "sức khỏe" của thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp BĐS suy giảm nghiêm trọng, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc gỡ vướng, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, từ cuối năm 2023, thị trường BĐS đã bắt đầu ghi nhận những tín hiệu phục hồi. Tới thời điểm hiện tại, thị trường BĐS vẫn đang trên đà phục hồi, cả về nguồn cung, giá bán và giao dịch.
Theo dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường địa ốc quý 1/2024 vừa qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Thị trường đã có thêm nguồn cung mới, khi các chủ đầu tư bắt đầu kích hoạt triển khai hàng loạt dự án.
Các hoạt động khởi công, sự kiện kick-off, "làm mới hàng cũ" diễn ra rầm rộ với quy mô ngày càng lớn. Làn sóng phục hồi đang ngày càng lan rộng. Tỷ lệ hấp thụ đạt gần 31%, với khoảng 6.200 giao dịch thành công, tăng 8% so với quý trước và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, các dự án mới mở bán, từ sản phẩm đất nền, nhà phố, biệt thự, căn hộ,... đều ghi nhận mức độ quan tâm, giao dịch và giá bán tăng trưởng tốt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Một số thị trường được đánh giá là điểm sáng trong quý 1/2024 như Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ. Nửa đầu quý 2 năm 2024, cùng với nền kinh tế, thị trường BĐS Việt Nam đang phục hồi, tích cực qua từng tháng. Hàng loạt dự án BĐS đa dạng phân khúc được tái khởi động, khởi công, công bố, giới thiệu ra thị trường đều được quan tâm với kết quả bán hàng ấn tượng.
Điểm chung của hầu hết các dự án được triển khai kinh doanh là đều có sự đầu tư bài bản về chất lượng với hồ sơ pháp lý “sạch", cùng các chính sách ưu đãi ngày càng đa dạng, phù hợp với nhu cầu và mong muốn của khách hàng ngay từ giai đoạn booking.
Hầu hết các dự án được mở bán trong nửa đầu quý 2 đều được quan tâm, với lượng booking và có kết quả bán hàng ấn tượng. Mặc dù các dự án ra thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung cấp trở lên. Bởi nhu cầu đầu tư trên thị trường vẫn rất lớn, kể cả nhu cầu cho phân khúc hạng sang, cao cấp chứ không riêng gì phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực. Đây cũng là nguồn cung giúp đóng góp phần lớn lượng giao dịch BĐS trong nửa đầu quý 2 năm 2024, khi giao dịch thứ cấp, nhất là sản phẩm căn hộ, nhà đất thổ cư giá dưới 5 tỷ đồng chậm lại với giá bán duy trì ổn định sau một thời gian tăng trưởng nóng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư vào dự án, các mô hình hợp tác, liên kết giữa chủ đầu với sàn giao dịch, giữa các sàn giao dịch... cũng được thúc đẩy để phát triển và phân phối các dự án tới cả thị trường trong nước và quốc tế.
Môi giới cần nâng cao năng lực
Thị trường khởi sắc kéo theo lực lượng môi giới BĐS quay trở lại nhiều hơn (Ảnh: PV)
Cùng với sự phục hồi của ngành BĐS thì nghề môi giới BĐS trở lên “hot”, thu hút nhiều người tham gia và quay trở lại. Doanh nghiệp BĐS, đặc biệt là doanh nghiệp môi giới bắt đầu cuộc đua thu hút nhân sự, với các chính sách tuyển dụng hấp dẫn để thu hút lực lượng môi giới chất lượng cao. Dữ liệu nghiên cứu của của VARS cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, số lượng môi giới mới tham gia và quay trở lại thị trường BĐS có sự tăng trưởng mạnh. Ước tính chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2024, so với thời điểm thị trường khó khăn nhất, đã có khoảng 40% môi giới quay trở lại ngành.
Trước bài học phải rời bỏ hàng loạt ở quãng thời gian trước, môi giới BĐS mới tham gia và quay trở lại thị trường cũng đã trải qua cuộc cách mạng về tư duy, với tâm thế cẩn trọng, từ việc chuẩn bị hành trang kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho bản thân tới việc lựa chọn sàn giao dịch để đầu quân.
Theo đó, các sàn giao dịch có nguồn hàng đa dạng, chất lượng, có lộ trình đào tạo, văn hóa doanh nghiệp chuẩn mực, chuyên nghiệp,... là lựa chọn ưu tiên của các nhân sự ngành BĐS. Trong khi các sàn môi giới BĐS quy mô nhỏ, dưới 30 nhân sự, gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn hàng của chủ đầu tư ghi nhận rủi ro về nhân sự khi nhiều môi giới nghỉ việc, đầu quân tại các sàn quy mô lớn để thúc đẩy việc bán hàng trong bối cảnh thị trường phục hồi. Do đó, để thu hút và giữ chân nhân sự môi giới chất lượng cao, VARS cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới cần xây dựng lộ trình đào tạo và phát triển chuyên môn, nhất là tạo điều kiện và hỗ trợ tài chính để môi giới tham gia các khóa học đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thi sát hạch cấp chứng chỉ môi giới BĐS.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, xây dựng các chính sách hoa hồng hấp dẫn và các gói thưởng "nóng" linh hoạt để tạo động lực cho các môi giới xuất sắc hoặc đạt chỉ tiêu vượt mức. Đồng thời tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn hóa doanh nghiệp chuẩn mực với lộ trình thăng tiến rõ ràng, chính sách phúc lợi hấp dẫn./.